Tag: Nơi hẻo lãnh nhất trên trái đất, thái bình dương, nơi xa đất liền nhất,
Trên Thái Bình Dương bao la có một nơi được gọi là Điểm Nemo. Nơi này cách xa đất liền tới nỗi con người ở gần nó nhất đôi khi là các... phi hành gia, nhưng đồng thời nó cũng là nghĩa trang cho các trạm vũ trụ và vệ tinh hết hạn sử dụng , nếu bị trôi dạt ở khu vực này thì chỉ biết cầu nguyện mà thôi...
Theo Cục Đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), Điểm Nemo nằm ở Nam Thái Bình Dương, có diện tích 22 triệu km2 và có tọa độ chính xác là 48°52,6′ Nam 123°23,6′ Tây. Tứ phương tám hướng quanh Điểm Nemo là biển nước mênh mông. Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) quay quanh trái đất với khoảng cách tối đa là 422 km trong khi vùng đất có người sống gần Điểm Nemo nhất lại cách đó tới 2.866 km là đảo Moto Nui. Vùng đất gần Điểm Nemo nhất về phía Bắc là đảo Ducie, thuộc nhóm đảo Pitcairn; gần nhất về phía Đông Bắc là Moto Nui, một đảo thuộc quần đảo Phục Sinh của Chile và gần nhất về phía Nam là đảo Maher thuộc Nam Cực. Từ Điểm Nemo, nếu đi mải miết về phía Tây sẽ đến nhóm đảo Chatham của New Zealand, ngược lại về phía Đông sẽ là đất nước Chile.
Ngoài việc được đặt theo tên thuyền trưởng Nemo nổi tiếng trong tác phẩm kinh điển "Hai vạn dặm dưới đáy biển" của đại văn hào người Pháp Jules Verne, "Nemo" trong tiếng Latin còn có nghĩa là "không có ai".
Một cách chính thức, theo trang All that’s interesting, Điểm Nemo được xem là "cực bất khả tiếp cận trên đại dương" (các cực bất khả tiếp cận là các điểm nằm trên bề mặt Trái Đất với vị trí đặc biệt rất khó chinh phục). Cho đến nay, nhiều khả năng chưa từng có con người nào đặt chân đến Điểm Nemo, kể cả người phát hiện ra nó – Hrvoje Lukatela. Năm 1992, kỹ sư người Canada gốc Croatia này dùng chương trình máy tính định vị được một điểm trên đại dương có khoảng cách xa nhất tới bất cứ vùng đất nào. Không chỉ cực kỳ khó tiếp cận, Điểm Nemo cũng không phải miền đất hứa cho vạn vật sinh sôi. Nơi đây nằm trong vòng hải lưu Nam Thái Bình Dương, một vòng hải lưu khổng lồ ngăn chặn những dòng nước giàu dinh dưỡng xâm nhập vùng biển quanh Điểm Nemo. Không có nguồn thức ăn, vùng biển này không thể nuôi dưỡng bất cứ sinh vật nào, ngoại trừ vi khuẩn và một số loài cua nhỏ tá túc gần các miệng núi lửa dưới đáy biển.
Chính vì sự sống ở Điểm Nemo hầu như không có nên các nhà khoa học hết sức ngạc nhiên khi họ ghi nhận tại đây một trong những âm thanh dưới nước gần vùng cực lớn kỷ lục vào năm 1997. Âm thanh bí ẩn với tần số cực thấp và tiếng ồn cực lớn này được đặt tên là "The Bloop" và do các microphone dưới nước bắt được từ cách đó hơn 4.800 km. Các nhà khoa học tại NOAA hoang mang không biết thứ gì đủ lớn để tạo ra một âm thanh dưới nước khủng khiếp như vậy. Cuối cùng, họ tìm hiểu được "The Bloop" hóa ra là tiếng băng vỡ ra khỏi Nam Cực chứ không phải là "tiếng gọi của Cthulhu" như những người yêu khoa học viễn tưởng mường tượng. Cthulhu là sáng tạo của nhà văn H. P. Lovecraft và xuất hiện lần đầu trong truyện ngắn "Tiếng gọi Cthulhu" (The Call of Cthulhu), được đăng tải trong tạp chí giật gân Weird Tales của Mỹ vào năm 1928. Cthulhu được coi là một thực thể cổ xưa vĩ đại trong đền thờ các thực thể vũ trụ. Sinh vật này có bề ngoài như một con bạch tuộc, một con rồng và một hình hoạt họa có dáng con người.
Không có người ở, lại cực kỳ hẻo lánh và cách xa các tuyến đường biển – những đặc trưng này làm nên một "duyên nợ" nữa giữa Điểm Nemo với ngành hàng không vũ trụ. Nơi đây được dùng để tính toán quỹ đạo trở lại trái đất của các tàu vũ trụ đã hết nhiệm vụ và trở thành "nghĩa trang" của chúng nhiều năm qua. Chẳng hạn, khi trạm không gian Mir của Nga ngừng hoạt động, "cực bất khả tiếp cận trên đại dương" được chọn làm nơi để nó rơi xuống, có như vậy những mảnh vỡ tạo ra trong quá trình Mir rơi lại vào khí quyển trái đất không gây thiệt hại về người và của. NASA cũng nghiêng về phương án chọn Điểm Nemo làm nơi "yên nghỉ" của Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) một khi trạm này ngừng hoạt động dự kiến năm 2032
Post a Comment