Huyền thoại hạt chia, nỗi buồn hạt é. Hạt chia và hạt é loại nào tốt hơn. Công dụng của hạt Chia, Công dụng của hạt É.
Hạt chia và hạt é trông giống nhau, nhưng số phận khác nhau. Hạt chia được marketing tôn vinh là siêu thực phẩm, được quảng cáo tràn lan trên mạng. Hạt é sống đời lặng lẽ. (Vtt)
-------------
Hạt Chia và hạt É |
Hạt chia được tôn vinh vì dồi dào chất xơ, dồi dào chất béo tốt lành omega-3, nhiều khoáng magnesium, kẽm, sắt, postasium, calcium, selenium… Và đặc biệt là hàm lượng cao chất chống oxid hóa (cũng lại chất chống oxid hóa!).
Từ những thành phần này mà giới marketing suy (diễn) ra vô số lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe của hạt chia: chống viêm, ngừa ung thư, hạ mỡ máu, trị tiểu đường, tim mạch, táo bón, chống béo phì…
Về chất chống oxid hóa
Nên biết rằng, các loại rau củ quả đều có cả vài trăm loại chất chống oxid hóa khác nhau, thứ nhiều, thứ ít, tạo ra lợi ích nổi bật của thực vật đó, chứ chẳng riêng gì hạt chia.
Quyền lực của chất chống oxid hóa là có thật. Nhiều nghiên cứu cho thấy chúng có thể ảnh hưởng đến các tế bào ung thư, tiêu diệt hoặc ngăn chặn không cho các tế bào xấu này tăng trưởng.
Tuy nhiên, những nghiên cứu này chỉ thực nghiệm trên hóa chất tinh khiết với liều lượng cao. Chẳng hạn, muốn thử tác dụng của một chất chống oxid hóa nào đó có trong trái việt quất, các nhà nghiên cứu dùng chất chống oxid hóa đấy ở dạng tinh khiết, chứ không dùng trái việt quất tươi. Sự khác biệt rõ ràng đó là liều lượng.
Lợi ích của rau củ quả trong phòng chống bệnh chính lá “thành tích tập thể”, không phải chỉ riêng hạt chia, cũng không phải riêng một chất chống oxid hóa nào, mà là của cả trăm loại loại chất chống oxid hóa khác nhau có trong các loại rau củ quả. Thậm chí còn phải kể thêm sự đóng góp công sức ít nhiều của các vitamin, khoáng và chất xơ đi kèm.
Trong thực tế, chúng ta ăn cả trăm loại thực phẩm khác nhau, chứa hàng ngàn chất dinh dưỡng khác nhau, thì với một thành phần được tách riêng ra như thế, tác dụng trong ống nghiệm sẽ hoàn toàn khác với chất đó trong thực phẩm mà chúng ta ăn.
Cho đến nay, chưa có bằng chứng khoa học nào nói ăn hạt chia có thể chống viêm, phòng ngừa ung thư cả.
Về chất béo omega-3 trong hạt chia
Chất béo Omega-3 có nhiều loại, giới marketing lại “quên” không nói, omega-3 trong hạt chia là loại ALA (acid alpha-linolenic), chứ không loại DHA và EPA trong dầu cá, cần thiết cho phát triển não của trẻ. Cái gì chứ Omega-3 loại ALA trong hạt chia chưa nhằm nhò gì cả (về số lượng) so với ALA có trong dầu ăn, dầu đậu nành, dầu lanh…
Hạt Chia |
Về chất xơ trong hạt chia
Hạt chia đúng là dồi dào chất xơ. Nhiều chất xơ thì suy diễn là hạt chia làm hạ đường máu, dễ tiêu hóa, giảm cân,…
Chất xơ thì rau củ quả nào chẳng có, gạo lứt, đậu xanh đậu đỏ, đậu nành… chứa đầy rẫy, mà những thứ rau củ quả này có thể ăn nhiều, mỗi lần cả 100- 200 gr, chứ không chỉ ăn vài gr như hạt chia.
Cũng nhấn mạnh thêm, hạt é còn nhiều chất xơ hơn hạt chia.
Huyền thoại hạt chia
Hạt chia thuộc họ bạc hà, xuất xứ đâu đó ở vùng Nam Mỹ. Hạt chia được huyền thoại với những chiến của đế quốc Aztec xa xưa vùng Nam Mỹ, chỉ cần một muỗng hạt chia là có thể hành quân cả ngày.
Mỗi ngày tiêu thụ chừng 10 -15 gr hạt chia là nhiều. Ngâm nước nở đầy ra cả chén to. Với số lượng đó thì cung cấp được bao nhiêu chất bổ dưỡng, mà marketing đã thần thánh hạt chia là nguồn năng lượng tiềm tàng cho thổ dân Aztec xa xưa xung trận?
Hạt chia so với hạt é
Hạt chia và hạt é trông giống nhau. Hạt é to hơn hạt chia một chút. Khi ngâm nước, cả hai đều trương nở về thể tích từ 12- 20 lần. Hạt é nở to hơn hạt chia.
Hạt é cũng giàu chất xơ, nhiều chất chống oxid hóa, các loại polyphenols và flavonoids, nhiều khoáng, vitamin gì gì đó như hạt chia, và cũng lành mạnh đâu kém gì hạt chia, nhưng không ai màng nhắc tới. (xem bảng thành phần của hạt é (basil)và hạt chia ở phần comment).
Không phủ nhận tính lành mạnh của hạt chia, nhưng hạt chia và hạt é chỉ là món ăn chơi, mỗi ngày tiêu thụ chừng 10 gr là nhiều. Đem lại được bao nhiêu dưỡng chất cho cơ thể mà đòi kháng viêm, chống ung thư, chống lão hóa, giảm mỡ máu, giảm cân, hạ đường huyết,…
Ở Việt Nam, hạt é có vẻ đã chìm vào quên lãng. Người ta chuộng hạt chia ngoại nhập, loại hạt đến từ vùng Nam Mỹ xa xôi hoang dã, đầy tính “hữu cơ” lành mạnh. Có điều ít ai biết, hạt é vẫn âm thầm được xuất khẩu ra nước ngoài, dù với số lượng nhỏ.
Nơi xứ lạ quê người, biết đâu hạt é lại được marketing tôn vinh là loại hạt “thần thánh” đến từ vùng nhiệt đới hoang dã nào đó ở châu Á!
Tác giả: Vũ Thế Thành
إرسال تعليق